top of page

Cách làm hồ cá Koi đúng kỹ thuật

Updated: Nov 18, 2022

Cá Koi sẽ chết hoặc sinh trưởng kém nếu môi trường sống không đạt tiêu chuẩn. Vì vậy, điều đặc biệt đầu tiên rất quan trọng quyết định đến thành công của việc nuôi cá koi mà bạn cần phải quan tâm đó là xây dựng 1 hồ cá koi đúng kỹ thuật để đảm bảo môi trường sống tốt nhất cho cá sinh trưởng và phát triển. Vậy làm thế nào để có 1 hồ cá koi đúng kỹ thuật?




Tại sao phải làm hồ cá Koi đúng kỹ thuật?

Cá Koi không giống bất cứ loài cá nào khác, chúng có đặc tính sinh trưởng đặc biệt và giá trị cao. Chất thải hằng ngày của chúng cũng rất lớn cùng với cơ thể nhạy cảm dễ nhiễm bệnh. Hơn thế nữa, môi trường sống nhân tạo lại thường có không gian trật hẹp và mật độ nuôi cá Koi cao bởi sở thích phổ biến này của người nuôi. Do đó, hồ cá Koi nếu được làm đúng kỹ thuật sẽ giải quyết các vấn đề nan giải này cho gia chủ.


Ba yếu tố quan trọng làm nên 1 hồ cá Koi đúng kỹ thuật

Dù với bất cứ đơn vị thi công nào thì khách hàng cần nắm được 3 yếu tố chủ chốt này để có thể chủ động kiểm soát được một hồ cá Koi đúng kỹ thuật.


1. Kết cấu xây dựng và độ sâu của hồ

Hồ cá Koi cần được thiết kế cấu trúc chắc chắn để đảm bảo tính chịu áp lực nước cao. Thông thường các kỹ sư sẽ sử dụng công nghệ bê tông cốt thép cho đáy hồ và thành hồ, đôi khi thành hồ có thể được xây tường tùy vào thể tích của hồ. Độ sâu của hồ từ 0.8-1.5m tùy vào mục đích sử dụng và vị trí ngoài trời hay trong nơi có mái che.


2. Hệ thống lọc của hồ

Hệ thống lọc cơ bản của một hồ cá Koi gồm 5 phần: Hút-Lọc-Thổi luồng-Xả đáy-Thoát tràn. Thông thường thể tích của hệ lọc = 1/3 thể tích của hồ cá sinh sống.


a. Ống hút

Ống hút làm nhiệm vụ thu gom chất thải trực tiếp từ hồ cá sinh sống bằng hệ thống hút đáy và hút mặt để đưa về khoang lắng của hệ lọc.

b. Lọc

Hệ lọc gồm có 3 ngăn: Ngăn lắng tĩnh: chất thải của cá sẽ được chổi lọc ngăn cản và lắng dần xuống đáy để nước trong hơn khi sang ngăn vi sinh. Tuy nhiên ngăn lắng này đôi khi người ta sẽ sử dụng hệ thống tách phân tự động (Drum) sẽ cho hiệu quả lọc tốt hơn.


Ngăn vi sinh: Đây là ngăn chứa tấm Jmat, Biochit, Hạt lọc (Kanes). Ngăn này có tác dụng phân hủy các chất thải nhỏ li ti trong nước. Ngăn khử tảo: nước sau khi được lọc sạch sẽ được khử tảo bằng đèn tia cực tím (UV) đồng thời diệt vi khuẩn gây bệnh cho cá.

c. Thổi luồng

Bơm đặt trong ngăn khử tảo sẽ hút nước đẩy luồng cho hồ cá giúp tạo dòng cuộn đẩy các chất cặn bã mà cá thải ra để hướng về phía hút đáy. Thông thường thổi luồng được đặt ở độ cao 1/2 độ sâu của hồ cá.

d. Xả đáy

Các ống xả đáy thường được thiết kế thông từ các ngăn lọc với các ngăn khô nằm bên cạnh để vệ sinh định kỳ cho bể cá.

e. Thoát tràn

Là đường ống được bố trí sát miệng hồ để xả bớt nước trong trường hợp cần thiết như trời mưa, nước xả từ môi trường bên ngoài chảy vào hồ.


3. Hệ thống cung cấp Oxy cho hồ

Do hồ nhân tạo nên cần tạo Oxy cho cá Koi sinh trưởng và phát triển tốt

a. Máy tạo Oxy

là hệ thống ống nhỏ được thiết kế nằm ở đáy hồ cá Koi nối với bơm tạo Oxy giúp hòa tan oxy vào nước.

b. Thác

Đây là bộ phận giúp tạo cảnh quan đẹp mắt và ấn tượng đồng thời cũng hòa tan vào nước 1 lượng Oxy đáng kể.

c. Cây thủy sinh

Cây thủy sinh vừa có tác dụng lọc 1 phần các chất cặn bẩn vừa có tác dụng cung cấp Oxy thêm cho cá


Lợi ích nhờ làm hồ cá Koi đúng kỹ thuật

Hồ cá Koi đúng kỹ thuật sẽ đảm bảo môi trường sống ổn định cho đàn Koi.

+ Loại bỏ rác thải, lọc tối đa chất thải của cá koi trong hồ.

+ Loại bỏ các vi sinh vật, rêu tảo có hại trong hồ

+ Đảm bảo môi trường nước đúng tiêu chuẩn giúp cá Koi sinh trưởng tốt

Trên đây là một số yêu cầu kỹ thuật cần phải có cho một hồ nuôi cá Koi.

Khi quyết định thi công hồ cá Koi lời khuyên của chúng tôi là hãy tìm một đơn vị có kiến thức, có khả năng phác họa chi tiết về cảnh quan và kỹ thuật. Tránh các đơn vị nhà vườn không có thiết kế và mức độ hiểu biết về kỹ thuật hạn chế sẽ dẫn đến những phiền phức rất lớn khi đi vào vận hành.

Chúc các bạn thành công!

Nguồn : internet / Tổng hợp : KTS.Phạm Duy

18 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page