top of page

Nguyên lý thiết kế đồ gỗ và nội thất

Updated: Nov 17, 2022

Để có đồ nội thất ưng ý, ta không chỉ cần phải lưu ý đến các nguyên tắc chung về tạo hình, mà còn cần phải thiết kế cho nó những công năng và có cấu tạo hợp lý.

Không có một tiêu chuẩn nào cho việc thiết kế, mặc dù người ta luôn cố gắng tìm kiếm những quy tắc chung khi đánh giá một mẫu thiết kế. Năm 1950, Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại tại New York công bố 12 quy tắc thiết kế do Edgar Kaufmann soạn lập. Năm 1971, giáo sư Herbert Lindinger, VDID (Verband Deutscher Industrie-Designer-Nhà thiết kế thuộc Hiệp hội Thiết kế Đức), đã đưa ra một danh sách các điều kiện đánh giá sản phẩm “tạo hình đẹp”, phải hội tụ đủ 10 tính chất sau:

1. Tính ứng dụng cao

2. Tính trực quan

3. Độ an toàn cao

4. Tuổi thọ cao

5. Phù hợp với nhân trắc học

6. Tính độc đáo về kỹ thuật và hình dáng

7. Hài hòa với môi trường xung quanh

8. Thân thiện với môi trường

9. Chất lượng thiết kế cao

10. Tạo sự hứng khởi khi sử dụng

Đây là một danh sách có yêu cầu cao. Một số tính chất sẽ được đề cập sau.

Tính thực dụng cao – công năng

Trước khi bắt đầu thiết kế, cần phải xác định chức năng của đồ vật. Ví dụ: bàn viết, bàn ăn, giường ngủ, ghế ngồi, nấu nướng hay để chứa đựng. Điều quan trọng là, đồ nội thất có thể hiện đúng chức năng hay không, có đáp ứng được nhu cầu hay không.

Với chức năng chứa đựng, một cái tủ cần phải đáp ứng yêu cầu về không gian và cách sử dụng. Ví dụ: các ngăn kệ, hộc tủ có phù hợp cho việc sắp xếp, chứa đựng và lấy đồ không? Đồ đạc có nằm trong khoảng với tay không (có phù hợp về mặt nhân trắc học không)? Vật thể cần được trưng bày đễ thấy, như trong tủ kính, hay cần che khuất, tránh bụi và che kín? Cửa xoay, cửa sập, cửa cuốn hoặc cửa kéo có hợp lý và thực dụng không, hay ta không cần cửa và dùng ngăn kệ mở?

Đương nhiên cũng cần phải lưu ý đến kích thước của vật thể được chứa trong tủ (Hình 57, 58, 59, 60). Kệ và ngăn tủ có thể điều chỉnh độ cao là rất hữu dụng.


Hình 57: Kích thước các vật dụng quan trọng trên bàn làm việc


Hình 58: Kích thước của các loại ly, dao muỗng nĩa, chén đĩa và chai


Hình 59: Kích thước đĩa hát, đĩa CD và máy cát-sét, video


Hình 60: Kích thước một số loại quần áo

Tính ứng dụng cao

Nói chung, ta cần hiểu rõ đồ nội thất được dùng vào mục đích gì. Cả tính nghệ thuật và hình dạng của đồ nội thất cũng cần phải rõ ràng, thể hiện được tiện ích và chức năng của các thành phần. Nếu chúng không thể hiện chức năng một cách rõ ràng, thì người dùng phải cần đến bản hướng dẫn sử dụng.

Độ an toàn cao

Đồ nội thất phải đảm bảo an toàn khi sử dụng, không gây tổn thwong ngay cả khi người dùng xao nhãng hay thiếu cẩn trọng. Điều này phụ thuộc vào tính an toàn về chức năng của các chi tiết và độ an toàn chung của đồ nội thất. Ví dụ: người dùng không bị kẹp tay khi sử dụng cửa kéo, không bị kẹt khi dùng cửa xoay, tải trọng và kích thước của kệ phải chịu được trọng lượng tiêu chuẩn, đồ nội thất không bị di chuyển khi mở cửa, ngăn kéo, giường đôi phải chắc chắn. Ngoài ra còn có những nguyên tắc và tiêu chuẩn khác cần dược lưu ý và tham khảo thêm. Cuối cùng, phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Luật về Trách nhiệm Sản phẩm.

Độ bền và giá trị thẩm mỹ

Ta cần xét về độ bền vật lý và độ bền thẩm mỹ. Độ bền vật lý là chất lượng kỹ thuật, khả năng chịu lực của đồ nội thất với các vật kết hợp, đồ lắp ráp và bề mặt. Độ bền thẩm mỹ là chất lượng trang trí, sự trường tồn, thiế kế vẫn hợp thời sau nhiều năm. Một sản phẩm nội thất đạt chất lượng phải thỏa mãn được cả hai yêu cầu về độ bền vật lý và độ bền thẩm mỹ.


Khi thiết kế đồ nội thất, cần lưu ý đến khía cạnh thể chất người dùng. Đồ nội thất nhất thiết phải phù hợp với kích thước của người dùng. Cần lưu ý đến tầm với, tầm kiểm soát, tầm nhìn, chiều cao nơi làm việc và chỗ ngồi, nhằm tránh cho người dùng những nhọc nhằn không cần thiết và để có được cuộc sống thoải mái tiện nghi hơn.

* Cần lưu ý: Đây là kích thước dùng cho người phương Tây, người Việt Nam có kích thước nhỏ hơn.

Phù hợp về nhân trắc học

Mỗi người có chiều cao khác nhau, cho nên ta sẽ dùng chiều cao trung bình khi ước tính kích thước trong bản vẽ. Cũng cần lưu ý đến sự chênh lệch chiều cao giữa nam giới và nữ giới. Chiều cao tầm kiểm soát trên của nữ giới khi đứng thẳng là 1700-1800mm, dưới thấp là khoảng 620mm. Ở nam tương ứng là 1800-1900mm và 670mm. Tầm với trên tối đa của nữ giới là khoảng 1950m, của nam giới là 2200mm. Nằm ngoài kích thước này, ta không nên đặt tay cầm cho đồ nội thất.

Kích thước khi ngồi cũng khác nhau theo chiều cao cơ thể người. Cho nên mặt ghế thường có chiều cao từ 450-460mm. Để có tư thế ngồi thoải mái, mặt bàn thường cao hơn mặt ghế từ 270-275mm. Bề rộng của mặt ghế cho một người ngồi cũng cần được lưu ý, thường là 560mm. Khi làm ghế dài cho nhiều người ngồi cạnh nhau, thì bề rộng dành cho mỗi người tối thiểu là 600mm. (Hình 62).


Hình 61: Kích thước trung bình khi đứng của nam giới và nữ giới cùng với tầm kiểm soát và tầm với


Hình 62: Kích thước trung bình khi ngồi của người

Yêu cầu chỗ ngồi nhóm phụ thuộc vào kích thước của bàn và không gian hoạt động xung quanh nhóm ngồi. Yếu tố quan trọng nhất là số lượng người ngồi tại bàn. Bề rộng tối thiểu dành cho một người ngồi tại bàn ăn là 800mm. Đối với bàn dành cho 4 người ngồi thì cạnh bàn phải dài 2 x 600 = 1200mm. Đối với ghế cho nhân viên, chiều dài cạnh là 500mm. Khoảng cách để đứng lên và đẩy ghế qua lại cũng là 500mm. Cũng cần lưu ý bố trí không gian di chuyển, ví dụ như để vận động, thêm khoảng 700mm. Bên cạnh chiều cao của mặt bàn và mặt ghế, cũng cần chú ý đến chiều cao của đèn. Ở đây, chiều cao tầm mắt của người khi đứng và khi làm việc đóng vai trò quan trọng đối với chiều cao của đèn. Quan trọng là đèn không mờ và có thể nhìn rõ người đối diện (Hình 63). Bốn người ngồi tại một bàn vuông, mỗi người ngồi tại một cạnh bàn. Ở đây, ta cần 600mm bề rộng chỗ ngồi cho mỗi người và thêm 200mm thừa ra mỗi bên. Vì thế, ta cần chiếc bàn có kích thước 1000 x 1000mm (Hình 64).


Hình 63: Yêu cầu về khoảng cách dành cho người ngồi tại bàn ăn với một bên không gian di chuyển


Hình 64: Yêu cầu về khoảng cách dành cho 4 người ngồi tại một bàn vuông

Kích thước tối thiểu của bàn trong phòng ăn được tính theo tiêu chuẩn sau:

Nhìn chung:

* Bề rộng của bàn = 800 (1000)mm

* Bề dài của bàn = Số lượng người ngồi tại một cạnh bàn x 600mm

Nếu còn có một người ngồi đầu bàn, thì mỗi cạnh bàn phải được nới rộng thêm 200mm (Hình 65).

Kích thước cho bàn 4 người ngồi là 800 x 1200mm, cho 5 người ngồi là 800 x 1200mm, cho 5 người ngồi là 800 x 1400mm, cho 6 người ngồi là 800 x 1600mm, cho 8 người ngồi là 800 (1000) x 2200mm (Hình 66 và 67).

Việc xác định kích thước của bàn tròn có hơi phức tạp hơn đôi chút. Ở bàn tròn, càng mở rộng ra ngoài, người ngồi càng có nhiều không gian hơn và càng hướng vào tâm bàn, không gian càng thu hẹp lại. Bàn tròn có đường kính 600mm dành cho 2 người ngồi (Hình 68), đường kính 800mm dành cho 3 người (Hình 69) và 1000mm đủ cho 4 người ngồi (Hình 70).

Với 6 người ngồi nên dùng bàn có đường kính 1200mm (Hình 71), cho 8 người dùng bàn có đường kính 1500 (Hình 72) hoặc 1600mm (Hình 73).


Hình 65: Yêu cầu về khoảng cách của bàn dành cho 5 người ngồi


Hình 66: Yêu cầu về khoảng cách của bàn dành cho 6 người ngồi


Hình 67: Yêu cầu về khoảng cách của bàn dành cho 8 người ngồi


Hình 68: Yêu cầu về khoảng cách và kích cỡ của bàn tròn dành cho 2 người ngồi


Hình 69: … dành cho 3 người ngồi


Hình 70: … dành cho 4 người ngồi


Hình 71: … dành cho 6 người ngồi


Hình 72: … dành cho 8 người ngồi


Hình 73: Bàn dành cho 8 người ngồi nên có đường kính là 1600mm

Tư thế ngồi cũng cần được lưu ý. Người ta ngồi thẳng đứng khi ăn và làm việc ngồi tựa ra phía sau khi tán gẫu và thư giãn. Các tư thế ngồi chuẩn đã được nghiên cứu, chỉ ra mối tương quan giữa góc ngồi cũng như độ gập của lưng ghế phụ thuộc vào chiều cao ghế. Dạng cấu trúc phù hợp là hình vuông 800 x 800mm. Các cạnh được chia theo Tỷ lệ vàng. Khi phác họa ghế ngồi, với cả ghế đặt ở góc, cũng cần áp dụng tỷ lệ trên. Thường thì độ nghiêng của góc ngồi hoặc góc tựa lưng không lớn, cũng như thiết kế ghế thấp để tạo cảm giác thoải mái (Hình 74, 75 và 76).

Khi thiết kế một quầy bar ăn uống, phải tham chiếu với chiều cao mặt bàn thao tác. Quầy được dùng cùng với các ghế cao (600 đến 650mm) có chỗ gác chân. Điều quan trọng là phải đủ không gian đặt chân dưới mặt bàn cho tất cả vị trí ghế ngồi. Khoảng cách từ mặt ghế đến cạnh dưới bàn tối thiểu là 190mm, hay tốt hơn là 200mm (Hình 77 và 78). Ghế đẩu ở quầy ăn cao khoảng 800mm. Quầy bar cao khoảng 1000 đến 1150mm, để có thể dùng thức uống khi đứng. Bề mặt quầy bar phải đủ rộng (tối thiểu là 170mm) để chừa đủ chỗ đặt chân (Hình 79).

Để sắp đặt một bộ ghế ngồi, bao gồm bộ ghế bành hoặc cả ghế bành và trường kỷ (đi-văng), lại đòi hỏi nhiều không gian hơn. Độ cao bàn nước thấp, khoảng 300mm - 450mm. Đệm ngồi chỉ nên cách mặt đất vào khoảng 360mm. Như vậy với kiểu ghế mà lưng tựa có độ nghiêng càng lớn, thì độ sâu khi ngồi sẽ càng nhiều. Phía trước bàn cần thiết phải có một khoảng trống để chân ít nhất là 400mm. Mặt khác, cũng cần có một lối đi lại ở phía sau nơi đặt ghế bành vào khoảng 800 đến 900mm. Do đó, để đặt tổng thể một bộ ghế ngồi, đòi hỏi phải cần một khoảng không gian rộng từ 3800 đến 4200mm (Hình 80).


Hình 74: Chuẩn dành cho ghế, dựa vào hình vuông 800 x 800mm


Hình 75: Kích thước để có một chỗ ngồi thoải mái, thư giãn ở bàn nước


Hình 76: Kích thước của một vị trí ngồi thoải mái ở bàn nước


Hình 77: Kích thước khi ngồi tại bàn ăn


Hình 78: Kích thước khi ngồi tại quầy ăn


Hình 79: Kích thước của một bar với ghế đẩu và quầy rượu – độ cao của chỗ gác chân


Hình 80: Không gian cần thiết để bố trí tổng thể một bộ ghế ngồi. Chú ý khoảng trống để chân phía trước bàn nước

Đối với các ghế đặt trong góc, khoảng cách giữa hai ghế ít nhất phải là 100mm, để người ngồi không chạm chân sang phần để chân trước ghế của người bên cạnh. (Hình 81).


Hình 81: Chú ý khoảng cách tối thiểu giữa hai ghế khi bố trí vuông góc với nhau


Trong việc thiết kế đồ nội thất cũng cần chú ý đến các tỷ lệ. Đặc biệt, cần phải có sự gắn kết giữa các yếu tố: không gian cần thiết, độ cao tầm với, phạm vi có thể nắm bắt và nhìn thấy vật dụng. Khi những yêu cầu này được thực hiện tốt, bạn sẽ thấy được sự hòa hợp trong nhân trắc học.

Chú ý: Đây là kích thước dành cho người phương Tây, người Việt Nam sẽ có kích thước nhỏ hơn.

Trong phòng khác, tầm thước của con người có ảnh hưởng đặc biệt đến các kệ tủ. Tủ búp-phê (tủ đựng chén bát) có độ cao (theo nguyên tắc) từ 720mm đến 850mm. Thông thường thì chiều cao bàn ăn được làm sao cho phù hợp với tủ búp-phê. Ở những ngăn tủ cao, nơi mà phụ nữ vẫn hay với lấy những vật dụng, thì độ cao tối đa cho phép là vào khoảng 1700 đến 1800mm (Hình 82). Mặt quầy rượu có độ cao thích hợp vào khoảng 900 đến 1050mm. Bề ngang của mặt quầy khoảng 400mm, để người dùng có thể với tới được những đồ vật trong ngăn tủ phía trên, khi mặt quầy rượu vẫn đang mở. Hệ thống đèn cũng phải được lắp đặt, đảm bảo sao cho phù hợp, để người đứng trước tủ sẽ không bị lóa mắt. Lưu ý, cần phải tính đến không gian đóng mở cửa quầy rượu. (Hình 83).



Hình 82: Độ cao tầm với trong phòng khách, tại tủ búp-phê và kệ để đồ



Hình 83: Độ cao tầm với và phạm vi quan sát tại tủ rượu

Đối với tủ nhiều tầng, tay nắm phía trên không nên cao quá 2000mm so với mặt đất, nếu như bạn không muốn phải dùng thang để với tới nó. Ổ khóa hoặc tay nắm phía dưới tủ được bố trí ngang tầm chiều cao của nắm tay cửa, vào khoảng 1050mm (Hình 84). Để sử dụng tủ trong tư thế ngồi chồm hổm, cần sắp xếp (chừa ra) một khoảng không gian vừa đủ phía trước tủ, nhằm phục vụ cho việc mở cửa tủ (Hình 85).



Hình 84: Độ cao tầm với tại tủ đứng cao



Hình 85: Không gian cần thiết của tủ trong tư thế ngồi xổm để thao tác

Đặc biệt, trong nhà bếp cần phải đặc biệt lưu tâm đến việc sắp xếp hài hòa theo chức năng của từng khu vực chuyên biệt. Mặc dù nội thất nhà bếp hiện nay đã được tiêu chuẩn hóa, dẫn đến sự thay đổi trong khu vực bếp, đặc biệt là về phạm vi hoạt động của bếp nấu, chậu rửa và tủ chén bát. Vì hình thể con người ngày càng phát triển cao lớn hơn, nên ngày nay các mặt bàn bếp đều cao hơn trước, có thể cao khoảng 950mm. Theo nguyên tắc, khu vực nấu nướng được đặt thấp hơn, vào khoảng 800mm, để người nội trợ có thể dễ dàng quan sát bên trong nồi khi nấu bếp (Hình 86). Tầm với chuẩn cho người cao bình thường khoảng 650mm -1500mm. Lò nướng và lò viba cũng như dao nĩa, chén bát thường dùng nên đặt trong khoảng cách này. Khoảng cách giữa mặt bằng thao tác và tủ ly chén tối thiểu là 500mm, cách chậu rửa tối thiểu 650mm. Độ rộng của tủ ly chén tối thiểu là 500mm, cách chậu rửa tối thiểu 650mm. Độ rộng của tủ ly chén khoảng 350mm để không bị vướng đầu, độ rộng tương đương của tủ dưới là 600mm. Quan trọng nữa là khoảng trống dưới chân tủ phải từ 80-100mm. Khoảng rộng không gian hoạt động giữa hai gian bếp tối thiểu là 1300mm (Hình 87).

Đối với bàn làm việc, dù ở nhà hay văn phòng đều quan trọng như nhau. Chiều cao của bàn làm việc khoảng 720mm, nếu là bàn không cố định, không thể điều chỉnh độ cao. Chiều cao ghế ngồi khoảng 420-450mm, nếu ghế có thể điều chỉnh đến 530mm (Hình 88). Cần phải chú ý đến khoảng trống để chân sao cho rộng rãi. Bạn nên dự trù khoảng 600mm cho chỗ ngồi (Hình 92).

Khoảng trống hoạt động giữa bàn làm việc và tủ nên là 1300mm. Phải dự trù khoảng trống tối thiểu 1250mm trong trường hợp phải ngồi để mở hộc tủ (Hình 89).



Hình 86: Không gian thích hợp trong nhà bếp khi nấu nướng



Hình 87: Không gian thích hợp trong nhà bếp khi rửa bát và thao tác Thiết kế theo tầm với chiều cao thông thường và chuẩn

Để nhìn rõ bên trong ngăn kéo, chiều cao của ngăn kéo trong cùng nên giới hạn đến 1350mm (Hình 90). Các kệ nên ở gần để có thể với tới từ chỗ ngồi. Chiều cao bề mặt kệ không được quá 1350mm. Để sử dụng không gian giữa mặt bàn làm việc phía dưới tủ, kệ nên chừa khoảng cách tối thiểu là 380mm (Hình 94).

Với môi trường làm việc có máy vi tính để bàn, phải đặc biệt lưu ý đến tầm mắt và tầm nhìn đến màn hình máy vi tính, nên từ 600-700mm. Tầm mắt phải nằm ngang với cạnh trên của màn hình. Màn hình phải gập xuống một góc 15 độ (Hình 93). Các tiêu chuẩn DIN 4549, DIN 33412, DIN 66534 và quy tắc Châu Âu dành cho nơi làm việc có máy vi tính để bàn cũng đưa ra những thông tin tương tự.

Ví dụ: tại quầy tiếp tân trong khách sạn, khách phải đứng để điền các mẫu đơn, nhưng nhân viên tiếp tân thì có tể ngồi để hoàn tất công việc của mình. Vì vậy phải có sự khác nhau về chiều cao của bàn làm việc, bàn viết. Khu vực phòng chờ trước quầy tiếp tân cũng cần được thiết kế không quá chật hẹp (Hình 95).



Hình 88: Yêu cầu về nơi làm việc với vật dụng trong tủ văn phòng



Hình 89: Yêu cầu về không gian thích hợp trước tủ hồ sơ, trong trường hợp ngồi để mở tủ.



Hình 90: Yêu cầu về không gian thích hợp trước tủ hồ sơ. Chiều cao tối đa của ngăn kệ trên cùng.



Hình 91: Chiều cao làm việc và khoảng trống để chân của bàn viết



Hình 92: Kích thước bàn làm việc và khoảng trống để chân



Hình 93: Kích thước tại bàn làm việc có máy tính



Hình 94: Kích thước tại bàn làm việc hướng vào tường, có giá treo



Hình 95: Kích thước của một quầy tiếp tân khách sạn


Nguồn : Trường ĐH Mỹ Thuật Công Nghiệp Hà Nội

10 views0 comments
bottom of page